TRANG VĂN HÓA- LỊCH SỬ

Niềm Hảnh Diện Về Toàn Quyền
Tiểu Bang Nam Úc Gốc Việt: Lê Văn Hiếu


Tác giả: V.T
Thể loại: Phóng sự

     Viết về người bình thường đã khó, huống chi viết về một người có chức vị cao trong xã hội như anh Lê Văn Hiếu. Trong bài viết nầy, tôi gọi Lê Văn Hiếu trong ngôi thứ là “anh”, bởi vì anh và tôi sấp sỉ tuổi với nhau và có khá nhiều quan hệ bạn bè trong thời gian sinh hoạt cộng đồng, nhất là trong những dịp lễ hội ở Nam Úc.
    Hôm nay, nhân dịp anh được thủ hiến Nam Úc: The Hon. Steven Marshall đệ trình ý kiến của ông với nữ hoàng Anh Quốc, gia hạn cho anh tiếp tục giữ chức vị toàn quyền thêm hai năm nữa, nên tôi mạo muội ghi vài dòng về anh, xem như ghi lại thành tích vẻ vang của một “thuyền nhân” tỵ nạn cộng sản Việt Nam ở hải ngoại nói chung và Nam Úc nói riêng.
    Tôi biết anh từ những ngày tôi đặt chân đến Úc và cư ngụ nơi tiểu bang Nam Úc, quê hương thứ hai của tôi. Tôi nhớ vào khoảng cuối thập niên 1990, anh vào phục vụ cho hội đồng Đa Văn Hóa và Sắc Tộc, với chức vụ phó chủ tịch hội đồng. Rồi một năm sau, anh được đề cử giữ chức vụ chủ tịch hội đồng ĐVH&STSV. Đến năm 2007, anh được đề cử phó toàn quyền tiểu bang Nam Úc và đến cuối năm 2014 anh trở thành vị toàn quyền thứ 35 của tiểu bang Nam Úc. Lễ nhậm chức toàn quyền của anh được tổ chức trọng thể vào ngày 01/9/2014 với nghi thức hoàng gia và có hơn ngàn người dân và đại diện chính quyền các cấp được mời tham dự. Bài viết theo Link: Lễ Tuyên Thệ Toàn Quyền Nam Úc.
     Nhìn lại quá khứ, trong thời gian anh làm chủ tịch Hội Đồng Đa Văn Hóa; có thể khẳng định, đây là thời kỳ chính phủ Nam Úc đạt được sự thành công nhất trong chính sách Đa Văn Hóa. Sự thành công được đánh giá từ những buổi lễ Quốc Khánh, ngày Anzac Day hằng năm được sự tham dự của nhiều sắc tộc cư ngụ tại Nam Úc. Điển hình, Quốc Khánh lần 223 vào ngày 25/01/2011, với cương vị là chủ tịch HĐĐVH anh đã huy động được tất cả các sắc dân tham dự với hơn 30 cộng đồng sắc tộc định cư ở Nam Úc. Trong buổi lễ Quốc Khánh lần thứ 223 nầy, có hằng ngàn người từ các sắc tộc tham dự như: Ahwazian, Brazilian, Burundian, Burmese, Bangladeshi, Chinese, Congolese, Cook Islands, Croatian, Ethiopian, Greek, Hungarian, Indian, Indonesian, Irish, Italian, Japanese, Khmerone, Korean, Liberian, Liotan, Maltese, Pakistan, Papua New Guinea, Philipines, Polish, Samonian, Serbian, Thai, Ukraine, Urgandian, Vietnamese.v..v..
     Cũng trong thời gian anh giữ chức vụ chủ tịch Hội Đồng ĐVH&STSV, anh đã tạo quan hệ thân tình và trợ giúp các sắc tộc cư ngụ ở Nam Úc hội nhập nhanh chóng vào xã hội Úc. Vài điển hình trong cộng đồng VN như: Vận động chính quyền tiểu bang tài trợ xây dựng Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng, xây dựng Trung Tâm Văn Hóa của Hội Nông Gia ở Virginia và những ngân khoản tài trợ các lễ hội hằng năm cho các hội đoàn sắc tộc ở Nam Úc...
     Trên đây là vài điển hình thành tích cụ thể của anh trong những năm tháng anh giữ chức chủ tịch Hội Đồng ĐVH&STSV. Rồi Khi anh nhận chức vị toàn quyền, trong thời gian tại vị,  dưới nhận xét của người Úc bản xứ, anh có những cảm mến từ người dân Nam Úc được kể lại như sau:

1./ Chuyện kể của chủ tịch phân hội RSL Murray Bridge:
      Đó là buổi sáng trời mùa đông ở Nam Úc, Buổi lễ tưởng niệm Chiến Sĩ Trận Vong tổ chức ngày 11/11/2017 ở tượng đài Chiến Sĩ Quốc Gia (National War Memmorial). Sau buổi lễ, vị chủ tịch RSL đứng bên cạnh bắt tay tôi và hỏi:
- Ông là người Việt Nam hả?
- Vâng! Tôi là người Việt.
   Chủ tịch RSL nói ngay:
- Sắc tộc Việt Nam của ông rất hảnh diện có được vị toàn quyền như Hieu Van Le.
   Tôi cười và đáp:
- Tôi hảnh diện lắm bạn ạ!
    Rồi hai chúng tôi vừa đi trở lại car park vừa trò chuyện tâm tình. Hắn nói:
- Toàn quuyền Hieu Van Le rất đáng quí mến. Vừa rồi, ông ấy đã làm một việc mà các vị toàn quyền trước đây chưa làm.
- Việc gì?
- Cách đây một tuần, Tao có người bạn được tưởng thưởng huy chương OAM của nữ hoàng. Nhưng vì bạn tao bị bệnh ung thư thời kỳ cuối nên không đủ sức khỏe để đến phủ toàn quyền nhận lảnh huy chương. Và khi nhận được tin nầy, đích thân Hieu Van Le và phu nhân đến tận nhà bạn tao để trao huy chương cho nó. Sau khi trao xong huy chương, toàn quyền Hiếu Van Le thay vì về ngay theo lịch trình, ngài ở lại gần 2 giờ nữa để tâm tình, chia buồn với gia đình bạn tao..... Đây là một thể hiện tình cảm cao quí mà tao nhận thấy được từ toàn quyền Hieu Van Le.

2./ Lời phát biểu của đại diện thủ lãnh đảng Lao Động trong tiệc gây quỹ xây dựng Tượng Đài Thuyền Nhân Nam Úc:
     Vào ngày 11/5/2019, trong bài phát biểu của đại diện đảng Lao Động, có đoạn ca ngợi toàn quyền Lê Văn Hiếu được Ls Kim Dinh chuyển ngữ như sau:
- * ... Cộng đồng Việt Nam rất hảnh diện có được vị toàn quyền người Úc gốc Việt Hieu Van Le. Ngài là vị toàn quyền được người dân Nam Úc dành thân tình và kính mến nhất trong các vị toàn quyền cận đại...
      Hôm nay, chắc có lẽ từ những thành tích, niềm cảm mến của người dân Nam Úc, nên anh Lê Văn Hiếu đã được nữ hoàng Anh Quốc chấp thuận theo lời đề nghị của thủ hiến Steven Marshall, gia hạn thêm thời gian hai năm trong chức vị toàn quyền tiểu bang Nam Úc.
     Đây cũng là niềm hảnh diện cho sắc dân Việt Nam ở Úc Châu nói chung và Nam Úc nói riêng trong chính sách Đa Văn Hóa mà chính phủ Úc chủ trương phát triển. Bởi lẽ nầy, tôi xin mượn câu nói của linh mục  Nguyễn Hữu Lễ để nói lên niềm tự hào cho sắc dân Việt Nam ở Úc: Trước khi làm toàn quyền, anh là một thuyền nhân tỵ nạn cộng sản Việt Nam.
     Để chấm dứt bài viết nầy, tôi xin nhắc lại lời phát biểu của anh trong ngày anh nhậm chức toàn quyền, chan chứa tình tự dân tộc Việt Nam và sự khao khát Tự Do-Dân Chủ mà nhân dân Việt Nam đã và đang ao ước:
- *... Nơi quê nhà xa thẳm của tôi, những bạn bè, những người thân đã nằm xuống và ngũ vùi trong lòng đất mẹ vì cuộc chiến cho Tự Do-Dân chủ . Tôi may mắn được đến đất nước Úc có Tự Do-Dân Chủ và tôi được vinh dự đón nhận chức vị Toàn Quyền như ngày hôm nay.....
    Xin cám ơn anh Lê Văn Hiếu đem niềm hảnh diện cho sắc tộc Việt Nam, cám ơn nước Úc đã cưu mang những Thuyền Nhân tỵ nạn cộng sản chúng tôi.

Adelaide, ngày 10/6/2019

V.T ghi nhanh